Đà Nẵng và câu chuyện lái xe


Tôi thích lái xe máy



Lần đầu tiên lái xe máy, ah mà không, thực ra cũng chả phải là xe máy, đúng hơn là xe máy điện của chị bạn. Tôi đâm thẳng vào xe người khác, một phát cả ba ngã ù ra, mà cũng hay, đó có lẽ là lần duy nhất tôi chở người khác bằng xe máy mà bị tai nạn, sau này tai nạn xảy ra toàn bạn chở tôi bị tai nạn :)).

Tôi là người chuyên chở, xưa kia chưa biết đi xe máy, mấy chị đều chở tôi. Sau này tôi lái xịn lên, mấy chị lẫn bạn tôi đổ nhác thế tôi toàn chở ngược lại, tôi chạy nhiều quá, nhiều đến độ, đôi lúc chạy xong về đến nhà, lại tự hỏi sao về được hay thế nhỉ, còn chẳng nhớ lái về nhà như thế nào, giống như đã được lập trình sẵn để lái, nên mọi người hay đùa tôi là tay lái lụa. Mà cũng lạ, xe máy kết nối tôi với mọi người gần hơn. Mỗi chuyến đi, dù là bạn lạ hay mới, sau khi về đều thân nhau hơn. Như thể vừa lái vừa tám chuyện, vừa ngấm nghía đường phố làm cho con người mở lòng nhau hơn

Mà cũng lụa thiệt, cà mặt gần như cả ngày ngoài đường. Cái thú đốt xăng tao nhã tám trên xe máy là đặc sản của tôi với bạn tôi. Tay cầm bịch nước uống, miệng bang bang nói chuyện, tay kia còn lại lái xe, đúng là hên xui tới giờ may qua trời phù hộ chưa gãy cái răng nào.

Mà cũng kì, nắng mưa bão chưa bao giờ là trở ngại trong những chuyến rong chơi của tôi với các chị bạn. Nắng, UV, cứ kệ mà đi, tôi thích nhất là dạo con phố Nguyễn Chí Thanh đoạn cuối đường Bạch Đằng, rồi vòng lên Phan Bội Châu, song song với Lê Lơi.  Buổi trưa, yên tĩnh ki lạ, chạy ngang qua trường nguyễn khuyến, rồi băng qua đồn cảnh sát, rẽ trái lên Lê Lợi, đi ngang qua trường Phan Châu Trinh về ngược nhà mình.  
Hẻm đi vô nhà tôi, ngày nào cũng phải né rác từ học sinh kế bên Trường Phù Đổng vứt xuống =_=

Ah mà quên, đó cũng là trường tôi theo học. Thường thì tôi hay lái né những lúc tan trường, tôi ngại giao tiếp, introvert chính hiệu con nai vàng, nên mà thấy ai quen biết trong trường là né 360, gặp trong trường đủ rồi, ra ngoài trường nữa chắc mốt né như né tà quá luôn. Với đặc biệt là né thầy cô nữa, chứ chả phải né người quen, thầy cô mà thấy sao con này nó chạy hoài ngoài đường chắc khỏi lên lớp luôn quá :)). Nhưng mà ai nấy nếu có ghé qua Trường Phan Châu Trinh, thì hãy ghé qua ngồi trường cũ đối diện thời pháp thuộc, để làm một bô ảnh vintage, sau đó vòng qua trường mới, phía bên mạn phải trường có dãy quán cơm tấm sườn nướng ngon số 1 Đà Nẵng. Là tiệm cơm thường trực của tôi với bố tôi mỗi lần mẹ đi công tác ( thằng anh lúc này còn ở Mỹ Tho).

Rồi mưa gió bão bùng, tạt ngay lề đường, cô ơi bán cho 5k bịch áo mưa tiện lợi, thế là tôi với các chị cứ thế mà đi. Mà cái thú tiêu khiển đó là mưa gió càng lớn, trời càng lạnh, thì lại phải càng chạy ra biển để dạo, để tận hưởng cái cảm giác rát buốt nước mưa hắt vào mặt. Rồi trời tạnh đi, tôi với các chị bạn lại ghé ngay hàng bánh chuối chiên, làm ngay 3,4 cái nhai rồm rộp tiếp tục cuộc hành trình bóc phét tám gẫu. Ah, chỉ riêng chi Hương ( lớn) bạn tôi thì luôn chọn bánh cam nhân đậu xanh chiên giòn nóng hổi mới ra lò bán cuối chân cầu Trần Thị Lý thay cho chuối chiên trứ danh. 

Lần đầu tiên lên bãi rạng, trời cũng mưa gió, chị bạn lái, lúc đi ngược đường về, có chú nào rồ ga quá mức vấp thành chắn ven đường bay lên, hộc máu mũi, xe một nơi, ngừoi một nơi. Vậy đó, cái lần đầu tiên của tôi sao mà nó chớt quớt vô duyên và máu me vậy đó ;)

Cũng lại là chị bạn đó, cũng con đường bãi rạng đi xuống, đang đi bỗng dưng một con cú bay ngang qua xe. Hai chị em hét thốt lại ố cú, lần đầu tiên thấy cú hoang dã ở đà nẵng, chưa kịp thốt lên cú, bỗng dưng đèn đường phụt tắt. Hai chị em, mặt nhìn nhau tự bảo chắc trung hợp, aize, lái ngang qua đèn đường thứ 2, đèn phụt tắt tiếp, rồi qua đèn ba, cũng phụt tắt, hai chị em tái mét mặt mày, chảy hết mồ hôi hột, tôi cầm lái, rồ ga phi một mạch không dám nhìn lại, sau này mỗi lần kể lại chuyện này, hai đứa đều phá lên cười chắc cái dớt ( cái số) đi Bãi rạng với nhau, không được, ma Bãi Rạng ghét hai đứa quá :)). 

Nói là vậy thôi, chứ tôi lái lên bãi rạng như đi chợ. Tôi thích lái lên khúc ngắm xuống đà nẵng, chắc chưa tới chùa quan âm, đoạn phía dưới một chút, mà tôi với mọi người hay bảo là công viên tình nhân thứ 2 cho các cặp đôi. Lên đó, ngắm một Đà Nẵng lung linh ánh đèn với ( thời đó) là 7 cây cầu bắt xung quanh, tiêu biểu là cầu thuận Phước: cây cầu gió thổi tung xe, tiếp đó cầu sông hàn hoành tráng, rồi thêm mấy câu tô điểm xung quanh. Rồi phía dưới chân đèo, trên mặt nước là những thúng câu mực lấp lánh ánh đèn trắng tô điểm lấp lánh cả một vùng biển mà tôi hay ví “ dải ngân hà” thu nhỏ trong lòng Cún. 

Đêm cuối trước khi đi du học, tôi lại lái lên Bãi Rạng một lần nữa.
Không phải là chị trong câu chuyện con Cú nhưng mà đây là những ảnh xót lại từ fb, trước khi 2 cái HDDs giã từ tôi mà đi



2010

Tôi yêu Đà Nẵng lắm lắm luôn, tôi thích lái hẻm ngõ ngách, lái qua đường cô giang, rồi lái qua quán cà phê trên đường Lê Đình dương, tôi cũng chả còn nhớ tên và cũng chả biết nó còn ở đó không nữa. Nhưng điều tôi biết chắc chắn, là người bạn art nào của tôi cũng tới đó im lặng trầm tĩnh học bài hoặc ngồi đó làm ly cà phê, xong chạy qua khu chung cư cổ kính màu vàng kế bên làm vài phát ảnh phim. Cũng ngay trên đường đó tôi nhớ không nhầm, có một tiệm bán bánh bèo ngon lắm, rồi cũng ngay gần đó, đầu đường trần phú, giao giữa hoàng văn thụ là tiệm bún ốc trứ danh của gia đình người Bắc chuyển vào mở quán từ thời xa xưa rồi. Hồi xưa họ mở gần nhà tôi mấy chục năm, sau này chuyển về đó, còn giờ thì tôi không biết giờ đã phương nào hay vẫn tại đó. Tại đó, họ bán tô bún ốc ngon quên đường về, ngon hơn cả những tô bún ốc tôi ăn ngoài bắc. Tô bún của họ luôn ngập ốc, con nào con nấy cũng to dai ngọt nước, thoang thoảng mùi tía tô xắt sợi nhỏ, thêm xí ớt bắc gia truyền vào, ăn vào hít hà là biết đây là tô ốc chính hiệu rồi.






Rồi đường yên bái thân yêu.  Là nơi tôi gần như dành trọn tuổi thơ cho đến những năm du học. Nhà tôi, trộm vía ( theo người bắc), nằm kế Bên Phù đổng, ngôi trường cổ kính nhất Đà Nẵng thời Pháp thuộc. Mà giờ tôi cứ tiếc rẻ là thời đó mà có máy ảnh là ảnh lên vintage không biết đường về. Nói vậy thôi, Yên Bái thời đó yên bình lắm, đẹp như những cuộn phim anime diễn tả cảnh yên bình của đường phố Nhật ( đẹp hơn ý chứ, mà không tìm được hình ảnh nào diễn tả nên đành xài phép so sánh anime :)) ) . Đường Yên Bái của tôi và Đà nẵng thời đó y chang vậy, các tía trời nắng nóng buổi trưa nhưng phản phắc cái cảm giác dịu nhẹ của sự trầm tĩnh mà không thành phố nào có đẹp. Ấy vậy mà, Đà Nẵng từng nổi danh là con phố bún thịt nướng bánh xèo nhất tiếng, tối nào khách đến cũng đông tít tịt tìn. Bún thịt nướng với nướng lèo Yên Bái trứ danh thành phố, sau này đền bù giải thể, nhà nước lấy lại đất, các hàng quán bún thịt nướng cũng dẹp đi theo đâu luôn. ( Nói vậy thôi chứ bún thịt nướng Hoàng diệu cũng ngon bá cháy). Tôi buồn đứng ruột, bởi đơn giản không chỉ đó là “signature” của thành phố, mà ban ngày, quán thịt nướng tôi yêu thích đóng cửa chuyển bán kem cà rem, sữa chua đông lạnh bỏ trong các túi ni lông nhỏ, mỗi lần ăn là lấy kéo hay răng cắn một góc nhỏ rồi mút ra, kem chuối đông lạnh phủ dừa cạo với nước cốt dừa. Hay mấy bịch si rô đựng trong tuýp nhựa mà mấy ai còn nhớ, cứ chiều chiều hè tới là tôi lại xin mẹ 2 ngàn ra mua bốn bịch, cắt cái đầu tuýp nhựa rồi bóp cho đá bào si rô thẳng tụt vào miệng, mát lạnh ngọt buốt đến tan dịu cái nắng gắt của mùa hè Đà Nẵng.

Tại sao tôi lại quên mất đường nguyễn Văn Linh nhỉ, đấy cũng là một trong những con đường tôi hay lái dạo. Đường rộng thênh thang, đông đúc, chạy thẳng lên sân bay Đà Nẵng. Tôi thích đường Nguyễn Văn Linh đơn giản là vì đường nào tôi cũng thích hết :)). Nói vậy thôi chứ Đà Nẵng nhỏ, từ đường Nguyễn Văn linh tôi có thể đâm ra các con đường nhỏ song song, nào là chạy thằng lên Phan Châu Trinh cuối đường có khu câu lạc bộ bóng bàn tôi hay đánh, những tiệm quần áo cũng năm song song trên đó, rồi có vài tiệm Karaoke nữa. Hay chạy qua hẻm gì đó nhỏ nhỏ có đại học Duy Tân ngay đầu phố để chạy ra con đường Hùng Vương rồi lái về Big C. Mà khuyên dân tình nè, Đà Nẵng mùa hoa sữa, đường Nguyễn Văn Linh duyên dáng đáng yêu thành kẻ thù của dân Đà Nẵng với hàng hoa sữa xộc nhức cả đầu.

Thỉnh thoảng tôi lại lái lên công viên 29 tháng 3 nếu có hội chợ. Thời kia nói hội chợ đông vui lắm, đủ các loại hàng trò chơi đúng nghĩa hội chợ. Thêm vào đó, cứ đến hội chợ công viên lại mở các trò chơi lại nên càng vui thêm. Công viên 29 tháng 3 thì nhỏ xíu nên trò chơi cũng chả có là bao, chủ yếu tàu lượn chạy nhanh, nói chạy nhanh chứ chắc giờ đi hết hội chợ mỹ rồi thì chạy nhanh kiểu con nít :)), nhà kính vô đó cười rụng răng tìm đường ra, đạp thuyền vịt mà cả đời tôi chưa một lần đạp tại mới biết bơi giờ ah, xe điện đụng thì xếp hàng dài ngoằng, nghĩ lại thì con nít thiệt mà nó vui vậy đó, mấy gian hàng ngừoi ta đem đồ ra bán quảng cáo, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là gian hàng vinasan, bán xúc xích chiên xiên que là đặc sản của hội chợ, nói là đặc sản chứ ra ngoài mua cây xúc xích về chiên rồi xịt chinsu lên cũng như vậy, nhưng mà vừa đi vừa ăn trong cái khí đông đúc hội chợ nó vui vậy đó, còn lại thì tôi chả nhớ gì hết. Nói chung chỉ nhớ là rất vui, mỗi lần có hội chợ công viên 29/3 là thể nào cũng đi 2 lần, đi với gia đình rồi với bạn bè. Qua Mỹ rồi, đi hội chợ fair bên này cũng vui, cũng ăn tè le hạt dưa hạt mít, chơi đủ thể loại quay cuồng, đu dây đu điện, nhưng chắc do tôi luyến tiếc quá khứ quá, nên có vui mấy cũng chỉ là cái vui tạm thời, chứ không có dấu ấn sâu niệm như hội chợ trò chơi con nít ngày nào.



Chợ hoa tết cũng là một đặc sản của Đà Nẵng tôi, chợ hoa thì ở đâu cũng có, nhưng chợ hoa Đà Nẵng thời còn nghèo thì cả xóm đẩy nguyên xe đẩy mua hoa chất lên cùng nhau. Còn lớn hơn nữa thì đi chợ hoa vui cực kì, tết đến tôi đi tận 4-5 lần. Nào là đi với bố mẹ đi mua cây mai, đi với bạn bè để mua những cây mà xưa tôi tưởng là xương rồng, sau này được giải thích là sen đá. Rồi coi đủ chậu hoa,chậu quật, hoa cánh bướm, hoa móng tay, hoa lan, cái thể gì cũng có ở chợ hoa tết. Ai ai cũng hoà nhịp cái không khí sôi nổi trước tết, cái không khí mà ai ai cũng tất bận kiếm hoa về cho kịp tết, cái không khí mà hội chợ tết là một dịp để cả gia đình cùng chụp ảnh, giống như một dịp để hội tụ gia đình vậy đó.  Có điều chỉ buồn cuối tết cho cô chú nông dân không bán được hoa, phải bán tháo giá rẻ để về quê ăn tết… Nhắc tết mới nhớ, tết thì thành phố nào cũng vắng như chùa ba đanh, giờ thì tết mùng 1, mùng 2 người ta vẫn ra đường cà mặt, tôi thì chẳng phải đợi tới bây giờ, thời đó tới mùng 1 tết là tự động dắt xe đi dạo, rủ chị bạn sau khi cúng sau 2 chị em chinh chiến trên mọi nẻo đường vắng tanh người, không một bóng xe ban ngày. Trời Đà Nẵng thường tết đến thì lạnh, có năm nóng ngắt, nhưng hầu như tết nào khí trời cũng mát lạnh đủ để khoác lên người một chiếc áo ấm hơi dày một chút, rồi lái trước gió trời lạnh phả vào mặt, vừa lái vừa nói chuyện vừa tận hưởng cái ấm của hơi áo, cái vui của buổi nói chuyện, cái lạnh của tiết trời, cái ấm áp lòng người của chuyến đi dạo đầu năm.  Dễ gì có được cái Đà Nẵng không một hàng quán nào mở cửa, kể cả trạm xăng ( =)) ) để mà thưởng thức Đà Nẵng ở một góc độ thành phố ma mà không phải ma được. 

tôi lái đủ tứ phương, lên bãi rạng ngắm đà nẵng về đêm không đếm trên đầu ngón tay, lái qua những khu nhà máy bên kia cầu, mà người ta hay nói qua quận ba chơi, dọc bở biển ngắm nghía người ta tắm biển, nhấp nháp vị mặn của muối với gió biển rồi làm một cái bánh nhân tôm chiên là xong một chuyến lái dạo nhớ đời.   

tôi lên lên khu nhà máy mới mở bên cậu Thuần Phước, cái đường mà chạy nhanh lên Bãi Rạng, ai không biết chứ đây là một địa điểm chụp ảnh tuyệt đẹp mấy cái cảng xưởng Đà Nẵng xếp thuyền bè, nào là cột hoa đăng được sơn đỏ trên đỉnh đúng chất tây, rồi mấy ông ngồi câu cá, hàng thông tre dài ngoành, với những khu tập thể mới mở, nói chung là lạ lạ hay hay. 

Rồi lái dọc biển, đường Phạm Văn Đồng, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ lên khu hoà Khánh vì đó là nơi mà trong phạm vi Đà Nẵng đã được gọi là xa lắc xa lơ, kiểu từ quận 1 sang quận 7 vậy đó :)). Lên đó chỉ để đi ăn món mì quảng nem cuộn chiên giòn với đi Bà Nà. Sau này ghiền chụp ảnh, thế là có xa tới mấy cũng lết lên tới hàng thông gần biển để làm mấy bô ảnh với hàng cây thông. Tôi rất thích đường Phạm Văn Đồng. Bởi tôi với chị tôi hay lái xe đến đại học công nghệ 6:30 sáng để ăn chiếc bánh mì nóng hổi bỏ bò khô chả số dzách, ngon tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ ăn bánh mì phượng nổi tiếng , nhưng với tôi, đây là chiếc bánh mì ngon nhất trong đời, kết nối giữa tôi với chị. Mua xong ổ bánh mì, hai chị em lại lái ngược ra lại Đường Phạm Văn Đồng, ra biển ngồi ăn, hoặc lên cầu thuận Phước, gió bay phất phới, cắn ổ bánh mì ngắm biển với núi. Chu choa, cái kỷ niệm nó đầy… bụi bặm, mà đẹp làm sao 

Tiệm Bin thời xưa nổi tiếng Đà Nẵng do là một trong những quán sang trọng, sau này ế chổng chơ =_=



Mà thân thương nhất vẫn là lái dọc đường bạch đằng, lúc sáng sớm hoặc trưa. đi ngang qua toà nhà
khu thư viện cổ kính cũ nè, lái qua cái cầu mà Dân Đà nẵng hay gọi là cầu Chữ T, nơi đó nổi tiếng là dù có rào hàng tới mấy thì 100% cũng sẽ có người chết đuối tại đó, nên dù có cũng kiếng bao lâu thì dân tình ta xưa này truyền miệng, thể nào rồi cũng sẽ có người bị kéo. Đối diện đó là sân Tennis, bao bọc bơi các quán nước mía, khúc này cũng là khúc tôi thích bởi yên tĩnh hơn bình thường, 

Tối tới, tôi với đồng bọn lại lái sang khu đảo xanh ngắm nhà đẹp. Tại nhà tụi tôi xấu quá, chuộng tây tàu nhà đẹp nên thời đó, lái qua đó ngắm nhà đẹp, rồi lội xuống bờ cỏ gần cái sông quanh khu vực đảo để chụp ảnh. Giờ nghĩ lại, thiệt cho 1 triệu đô để đánh đổi nhà mình với nhà mới còn không thèm :)). 

Lái qua nhữn con hẻm nhỏ để tới quán bánh tráng pa tê huyền thoại xa lắc xa lơ trên siêu thị đà nẵng cũ. Này nhé, tôi tự hào là thế hệ đầu tiên của món bánh tráng ốp la pa te chấm nước bò khô này. Mà giờ này, mấy thế hệ này nhiều người đã có con đuề huề :)). 

Cái ngày mà chị bạn tôi dẫn tôi đi quán bánh tráng pa tê đầu tiên tại đà nẵng, nó nằm trong một cái hẻm xa tít tìn tịt, mà ngõ ngách nữa, trùi ui, cái món bánh tráng chấm nước cốt bò khô với patê béo ngậy ngon quên đường về. Nhưng mà dân chính hiệu thì thể biết rằng, là quán bánh tráng pa tê trong hẻm đó vậy là nổi tiếng, nhưng quán ngon chính hiệu ít người biết tới lại nằm ngoài hẻm to ngay kế gần đó mà chỉ có nhóm câp 3 tôi là khách hàng quá quen dai mặt. Mỗi lần học xong, cả nhóm đi chơi, là đứa đạp xe, đứa xe máy điện ( sau này thì đứa nào cũng xe máy điện :)) ) dắt nhau lên đó trời mưa tầm tã mặc áo dài vậy đó, vậy mà ngồi ăn như thường tám xuyên lục địa. Nây thì mỗi đứa có muốn tám có khi còn không nhớ nổi điện thoại nhau... Nói là vậy thôi, chứ ngoài pa tê trứ danh thì còn có bánh tráng ốp la ( bỏ hai cút trứng rắc bò khô hành lên rồi nướng), bánh tráng trải bò khô, trải trứng, cuốn bò khô, cuốn pate ( bánh tráng cuốn thì mềm ăn dẻo dẻo dai dai). Nói chung mỗi hàng bánh tráng có một đặc điểm riêng, nhà tôi gần sát trường Phù Đông nên hay ăn loanh quanh trước cổng trường cấp 2 Trưng Vương hoặc thèm bánh tráng quá thì đi bộ ra ngay trước cổng trường Phù Đổng mấy bước chân là có ngay dĩa bánh tráng với dĩa cóc. Với tôi nhắc đến Đà Nẵng là nhắc đến bánh tráng




quầy bán vé số Đà Nẵng




Nói là lái, xong mỗi đường lái gắn với câu chuyện. Nào là lái ( lúc này vẫn đạp) mỗi ngày đường Lê Lai với chị bạn ngắm nhà anh chàng rocker chị bạn tương tư, mặc kệ không biết ảnh ở nhà hay không. :)))

Rồi thường hay đùa nhau mỗi lần lái qua xóm chùa phải cẩn thận. Chứ không bị côn đồ rượt theo. Xóm chùa đúng với tên gọi của nó, có cái miếu chùa to tổ chảng ở trong, xóm này không hiểu tại sao xưa giờ mang tiếng là côn đồ tụ tập, lại ở ngay trung tâm thành phố, thông giữa Hùng Vương và Phan Châu Trinh. Cứ mỗi lần nhắc về ai ghê ghê có tiếng tăm về bụi đời côn đồ là thể cứ đồn nhau nó ở xóm chùa đó. Ấy bảo xóm chùa đáng sợ, nhưng tôi hay tới như cơm bữa vì nhà con bạn cũ cấp 2 tôi học mà xưa mới có máy ảnh hay rủ nó đi chụp, tại chân nó dài thon thót, hot girl thời đó. Àh mà không, cái đó không phải  là lý do tại sao tôi hay tới xóm đó. Bánh canh, chả trộn dì Huê mới là nguyên nhân tôi với chị bạn thân nhất là khách hàng ruộng thêm chả mỗi bát đu đủ trộn, mỗi lần 5h chiều tới đó ăn, ăn xong mỗi đứa một ngả, đứa về ăn tối, đứa về nấu cơm tối để ăn tiếp :))). Và cái ngày đầu tiên tôi về Đà Nẵng, quán cũng là nơi đầu tiên tôi với chị đèo nhau đi ăn. Sau này chị qua Seattle, hai đứa không còn đèo nhau trên chiếc xe máy vi vu được mà cũng chẳng có quán bệt bệt với tô  bánh canh, bột lọc chiên và bát chả trộn, thay vào đó là nồi lẩu ăn cho vui chứ chẳng có cảm xúc lênh đênh của thời nào. 



Nước uống thời đó chúng tôi hay uống là nước mía, thỉnh thoảng đổi vị, uống sang milo lotteria, mốt lại chuyển lại nước mía, rồi nước dừa có chừng đó thôi ah. Giờ dạo nghe bảo Đà Nẵng và Việt Nam nói chung đang rộ mốt trà sữa. Thời tôi, có đúng tiệm mở Đà Nẵng, gọi là cactus, nhà nhà ầm ầm đều uống, sau đó mở thêm tiệm kế bên tôi quên béng tên rồi trung tâm học tiếng anh tôi học. Vậy đó, có 2 tiệm thôi. Nổi nhất vẫn là cactus, trà sữa bột chắc vậy, màu xanh da trời. Vậy mà gắn liền với thế hệ chúng tôi một khoản thời gian rồi sau này đóng cửa vì ế qua, chẳng ai uống trà sữa nữa.  Rồi mấy gánh chè đường Nguyễn Chí Thanh nữa, mấy ai còn nhớ mấy cô gánh chè đối diện trạm y tế, cứ tối tối tầm 7 giờ lại gánh ra bán đủ loại chè ngon. Nào là chè khoai môn, chè bắp, chè chuối, chè đậu đen… rưới thêm nước cốt dừa bỏ xí đậu phộng, thêm tí dừa nạo là ăn một lần không thể nào quên. 

Cà phê Đà Nẵng thời đó cũng khác, im ắng lắm, mấy quán cổ cổ không có mấy khách đâu, người ta sáng sớm thường chuộng vào mấy quán lề đường cà phê Long, hoặc cà phê sang sang như cà phê nhà bạn tôi ( quên tên rồi :))). Nên mấy quán kiểu trang trí cổ cổ xinh xinh thời đó chả mấy ai đi, tôi với một chị nữa ( tôi toàn chơi với các chị), cứ trưa đến, cầm laptop lên đó ngồi lướt để cảm giác feel hơn, với chị thì chắc là để thấy cảm xúc hơn, với tôi thì để cho giống nước ngoài :)). Nói vậy chứ lướt có 5-10’ ah, còn lại dành thời gian chụp ảnh làm điệu là chính. Hồi đó nhiều quán trong hẻm cổ cổ hoặc quán có ngoài đường ban công nhìn xuống đường đẹp lắm, giờ nói thiệt địa chỉ tên tuổi hình dáng mấy tiệm đó tôi quên hết rồi. Nhưng mà kỷ niệm thì vẫn còn vương vấn đâu đó trong tôi
Cầu sông hàn
Cầu thuận phước với đám bạn

Cầu sông Hàn thì ai cũng biết, lái qua cầu một xí là có bánh canh ruộng ( nói là ruộng vì nghe bảo hồi xưa tiệm đặt kế bên ruộng :)), giờ nâng cấp không còn ruộng nhưng bánh canh vẫn ngon đậm đà, lâu lắm tôi không ăn nên cũng biết còn ngon không), ya-ua muối, đồ nhậu biển, tô tượng dưới chân cầu, nói chung bên kia cầu hoạt động về đêm rất sôi nổi, rồi trường Lê Quý Đôn nữa. Phía bên này, trung tâm thành phố, xung quanh cầu nổi tiếng chè Xuân Hương, ăn vào là tào tháo rượt cả ngày :)), thế mà tiệm đông lắm cơ, rồi nào các quán kem xôi trứ danh đặt trước… toilet công cộng thế mà cũng đông lắm cơ ( nói giỡn vậy thôi, chứ kem xôi là món ruột của tôi, nghĩ sao vậy, vì ngon lắm nên mới đông đó), xung quanh đó ngày trước là mấy tiệm bán đồ chơi bong bóng lặt vặt, giờ thì 100% không còn tại thanh niên du kích đuổi người ta quá mà. 





Chợ Hàn với Chợ Cồn thì tất nhiên không ai không biết. Với Chợ Hàn thì khỏi nói, quen quá rồi, nhà cách mấy bước chân. Ah quên mất, khi tôi lái dạo, tôi thích lái lượn quẹo vào con đường Hùng Vương đi lên nhà tôi, hoặc quẹo qua khúc Cafe Highland đường Phan Đình Phùng. Phan Đình Phùng thì là vì con phố yên tĩnh quen thuộc của tôi, còn đường Hùng Vương thì là vì đi ngang chợ hàn, mà tôi thì yêu chợ hàn Lắm. Tại thỉnh thoảng sáng tôi với mẹ đi bộ ra, còn giữa ngày đi xe ra. Đừng ngạc nhiên khi dân Đà Nẵng đi chợ 2 lần. Sáng sớm để mua bánh mì Quốc Danh chấm sữa ong thọ ( Bánh mì Quốc Danh có từ thời Pháp thuộc, là một trong những nơi bán bánh mì ngon và thơm nhất mà tôi từng ăn theo cảm nhận khách quan, máy nường bánh mì Quốc Danh không bao giờ bị hư, nay nghe dân tình bảo chính quyền muốn giải toả bánh mì QD nhưng mà máy Pháp chính hiệu nặng quá chuyển đi không được…) hoặc đồ ăn sáng quanh nhà, xong lại ghé chợ mua đồ tươi từ những người nông dân đem lên, cá cua tươi, rau ngon. Còn đồ lặt vặt là để cữ 2. Buổi chiều tới thì ra đó đi chợ xong làm ly sinh tố trái cây. Mà đi chợ với mẹ vui lắm, tại đi mua đồ nấu ăn mà, hồi còn nhỏ thì bày đẹt xách theo cái giỏ mini đồ hàn bắt chước mẹ đi chợ, lớn dần thì đi chợ là một nghĩa vụ… không muốn làm, còn giờ ngồi đánh mấy dòng chữ này thì chắc mốt có về lại Đà Nẵng phải van xin đi chợ với mẹ quá.  Nên nói thiệt muốn biết Đà Nẵng hay Việt Nam thế nào cứ vô chợ nghe trả giá, nghe tiếng xì xào, đừng sợ mùi hôi tanh, sàn nhà trơn ướt, đừng sợ cái tiếng chặt thịt, mà hãy quan sát tận hưởng cái nhịp sống đó, để mà không hối tiếc như tôi, đến lúc đi du học rồi chỉ nhiều khi muốn được đi cái chợ không sạch sẽ đó, chứ chợ nông sản của mỹ dù đặt ngoài đường hay trong nhà thì cũng sạch bong :)). Còn chợ Cồn thì là chợ gắn liền với chị Hương, tôi có quen 2 chị Hương, ma hay gọi Hương lớn Hương nhỏ, Hương nhỏ thì rong rêu với tôi đủ mọi nơi, chị Hương lớn thì chinh chiến trên mặt trận ăn Vặt, shopping lề đường, vô chợ cồn, nói chung đủ thể loại tạp nham nhưng mà đúng là chợ cồn phải đi với chị thì mới thấm thía được. Chị trả giá giỏi, món ăn vặt, cửa hàng tạp phẩm lưu niệm nào cũng biết, với chị vô chợ là đi vòng một nơi ăn đủ thể loại: chè, cháo, ốc hút trộn, bột lọc… đủ thể loại, rồi vô chợ chị trả giá quần áo siêu giỏi, với lại chợ cồn khác chợ Hàn điểm chợ Hàn chủ yếu bán thức ăn được hơn, còn chợ Cồn thì cái thể loại gì cũng có, không thiếu một thứ gì, chỉ thiếu khả năng có đi hết với trả giá được hay không. Với chợ nằm cạnh Big C nữa, nên tại khúc ngã tư này luôn là một trong những nơi sôi nổi đông đúc nhất Đà Nẵng, nên ai đó có tới Đà Nẵng tới chợ này là biết luôn Đà Nẵng rồi ( ngoại trừ phong cảnh, núi non, biển ra)

Tôi với một chị bạn tôi chắc có thể nói là trùm hẻm Đà Nẵng, khám phá những hẻm có hàng địa y, hay lá cây leo phủ đầy tường, nói chung có hẻm nào lái hết, tất tần tật, nhà chị bạn đặt canh nơi người ta trồng cây mai cho tết, nên gần tết đến hay giăng đèn về đêm đẹp rạng trời, tôi với chị cứ thế sáng với đem chạy qua… lại dở lại bài cũ, làm dáng lăn toàn bò cụi chụp ảnh. Cứ có chị nào yêu cầu bô ảnh khoảng thời gian này là tôi dẫn lên đây làm mấy tấm bokeh lung linh.




Thỉnh thoảng tôi cầm lái ra Hội An, thường thì hay phiên nhau lái, tôi lái vô, người còn lại lái ra. Hội An thời đó cũng khác nữa, trưa đến không đào ra móng người nào đó, ít người lắm, cùng lắm đông tối tối với khách du lịch tứ phương, nhưng chắc cũng chả nịt một đống người như bây giờ. Hội An dù đạp hay lái xe, ra ngoài vùng viền coi cảnh, xong gửi xe đi dạo phố cổ, trưa đến thì nóng nực ít người nhưng là địa điểm lý tưởng để có những tấm hình chất nhất hoặc là thời gian thích hợp để đi thăm cái nhà thờ, chùa trong phố cổ. Tối đến vào ngày trăng rằm thì thả đèn lồng, ngắm một Hội An rực ánh sáng, không một bóng đèn điện. Vô Hội An thì nhất quyết phải làm dĩa nem nướng, tôi không thích ăn cao lầu lắm, những bánh vạc hoa hồng trắng thì chắc chắn phải dừng chân( hay đen gì đó tôi quên tên tiệm rồi =))) hay bánh tráng hến đập dập, trưa chiều thì dĩa cơm gà Hội An ( mà tôi nghi là thực ra lấy cảm hứng từ cơm gà Haianese của Trung Quốc :)) ) bỏ thêm xí tương ớt Hội An rim đường trứ danh, rồi làm thêm chén chè lề đường gần sông gì đấy ngay chỗ chòi hát bè thì coi như đã biết Hội An đến 70% rồi. 

tôi lái đủ nơi…

thế mà gần đây

tôi bắt đầu quên dần 

một phần vì do trí nhớ lãng đãng của tôi

phần lớn, tôi cố tình tập mọi thứ quên dần

tôi muôn tập trung vào hiện tại

nhưng đôi lúc càng cố thì nó lại càng ùa đến, nhưng kỷ niệm quá đẹp không muốn rời xa…

giờ bạn tôi

mỗi người mỗi ngả

có muốn chở cũng không được

mà giờ đà nẵng không còn cái yên tĩnh vắng lặng, Đà Nẵng tôi giờ là thành phố du lịch

đôi lúc thỉnh thoảng tôi vẫn đùa, Đà Nẵng

chua xót và đẹp. 

Đà nẵng với tôi là một thành phố tĩnh lặng. nhiều khi nghĩ sao chả thấy khách du lịch nào, một thành phố chất phác, đẹp đến từng góc phố. Giờ đây, tôi vui vì Đà Nẵng phát triển. Tôi buồn vì sự phát triển không có quy hoạch. Chẳng mấy chóc, Đà Nẵng sẽ thành một SG thứ 2, Hà Nội thứ 3, cái mộc mạc đó thay bằng một khu đô thị chẳng mấy nhập nhò với biển cả, sông núi mà trời đất ban tặng cho Đà Nẵng. 

Nói về tâm linh, khi Nguyễn Bá Thanh mất đi, khi pháp trận bị lật, thì Đà Nẵng phải vậy thôi… 

ờ thì cứ chê chửi tôi ích kỷ, muốn giữ đà nẵng cho riêng mình. Phải vậy thôi, đó là nơi tôi chôn nhau cắt rốn đúng nghĩa, đó là nơi mà không một bóng người chốn trưa của tôi, là nơi tôi lớn lên, đến trung thu nguyên góc Hùng Vương rực sáng với các đèn lồng điện tử từ các quán tạp hoá, là nơi mà chợ hoa rộn ràng nguyên công viên 29/3 và trước công viên gần nhà tôi, là nơi mà pháo hoa thì chả đẹp gì đâu, nhưng cứ tới giao thừa là thuyền nơi bố tôi ( tôi người miền trung mà hàng xóm có ông bà nội ngoại gì đó là người miền bắc, thế là anh tôi qua chơi, bắt chước nói bố, xong đẻ ra tôi xưng bố luôn) bấm coi inh ỉnh ỏi.  Là nơi mà tết tới vắng như chùa bà đanh, là nơi mà có Bạch Đằng cổ kính, chợ hàn tấp nập vào buổi sáng, cầu sông hàn cũ ngắt nhưng là điểm đến của các ông bà tình nhân là thợ chụp ảnh dạo lẫn khách du lịch thời bấy giờ, là nơi mà tôi dành cả một trọn ấu thơ, hình thành những kỷ niệm dân dã đẹp nhất của một thời học sinh. 

Là nơi có gia đình luôn mở cửa đợi tôi

 tôi yêu Đà Nẵng đến trọn con tim. 

Đà nẵng, 
31/08/2017


( nhân kỷ niệm trí nhớ siêu việt quay về)